Thậm chí ngay lúc này, việc sử dụng một chiếc thẻ thanh toán quốc tế cũng đã tiềm ẩn không ít rủi ro liên quan đến chữ ký. Một chị bạn của người viết có chiếc thẻ Visa với hạn mức 100 triệu đồng mà đã không ít lần chồng chị sử dụng để mua sắm. Khi quẹt thẻ, các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ chỉ yêu cầu ký đúng chữ ký của mình, nhưng có ký khác đi cũng vẫn được chấp nhận.
Cả mấy chủ thể nêu trong tiêu đề bài viết hình như chẳng có mối liên hệ gì với nhau gọi là đáng kể. Nhưng cũng có thể tới đây, câu chuyện xung quanh ba chủ thể đó sẽ tạo nên những điều thú vị, theo cả nghĩa ít vui vẻ.
Ôtô, xe máy vốn là loại hình phương tiện giao thông cá nhân mà nhu cầu với nó được xem là cơ bản.
Thẻ ATM, thẻ tín dụng là thứ thẻ hiện diện cho sự văn minh về sở hữu tiền tệ, phương thức thanh toán thời hiện đại.
Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo nghị định về thanh toán dùng tiền mặt,
trong đó có quy định cấm mua ôtô, xe máy và bất động sản bằng tiền mặt.
Chữ ký lại là hình thức đại diện quan trọng bậc nhất trong mọi mối quan hệ giao dịch của từng cá nhân mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, giá trị của nó còn cao hơn nhiều so với con dấu đóng lên văn bản nếu xét trên tư cách đại diện cho một tổ chức, tập thể.
Ý tứ của bài viết là về mối quan hệ giữa ba chủ thể nêu trên mà tới đây (có thể) sẽ rất chặt chẽ, chặt chẽ đến mức chỉ cần vênh - sai một trong ba thứ, mọi cá nhân sẽ gặp những phiền phức không đáng có.
Khởi nguồn của câu chuyện là những đề xuất liên quan đến hoạt động ngân hàng. Cụ thể hơn là hiện Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo nghị định về thanh toán dùng tiền mặt, trong đó có quy định cấm mua ôtô, xe máy và bất động sản bằng tiền mặt.
Quy định này là rất bình thường, xét trên nhiều phương diện là đáng hoan nghênh, phù hợp xu thế. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Trường hợp quy định trên được áp dụng, để sở hữu một chiếc ôtô hoặc xe máy (trị giá thanh toán từ 30 triệu đồng trở lên), mỗi cá nhân buộc phải thanh toán thông qua ngân hàng. Điều đó có nghĩa họ buộc phải mở một tài khoản, theo đó mất thêm một loạt chi phí từ mở tài khoản, duy trì số dư, chưa kể sẽ mất thêm vài loại phí như thanh toán, rút tiền mặt, chuyển khoản…
Đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Ngay thời điểm này, việc sử dụng thẻ ATM cũng không phải chuyện đơn giản với nhiều người dân. Khi các ngân hàng thu phí rút tiền mặt, mỗi lần rút tiền một người nông dân bị thu mất 3.300 đồng, cộng nhiều lần đó sẽ là một số tiền không nhỏ với họ.
Khúc mắc liên quan đến chữ ký cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ. Để thanh toán mua xe qua ngân hàng, các cá nhân buộc phải sử dụng chữ ký của mình. Với những cá nhân thường xuyên sử dụng chữ ký sẽ không gặp trở ngại gì, nhưng với những người ít sử dụng chữ ký thì đó lại là một “vấn đề” không nhỏ.
Bản thân người viết do ít sử dụng chữ ký nên theo thời gian, chữ ký sau dần thay đổi, khác đi so với chữ ký trước, nhất là chữ ký mẫu ban đầu. Vì lý do đó, đã không ít lần người viết phải ký tràn cả trang giấy trắng cỡ A4 để nhân viên ngân hàng chấp nhận giao dịch tài khoản.
Vậy với nhiều người nông dân, công nhân, các bác xe ôm…, có khi cả đời chỉ ký một đôi lần thì xử lý thế nào, họ mua xe bằng tài khoản ra sao?
Những câu chuyện tưởng đơn giản ấy xem ra không dễ giải quyết, nhất là với thực tế của ngành ngân hàng thời điểm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét