Bản thân các Bộ khi đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt đội mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn cũng đã có những hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu thế nào là một chiếc mũ bảo hiểm hợp quy.
“Đội mũ bảo hiểm rởm sẽ bị phạt” – Đây được xem là quyết sách đúng của các Bộ, ngành khi hiện nay có tới 70% người dân đội loại mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Đội để đối phó
Hầu hết người dân hiện nay chưa nhìn thấy vai trò thực sự của chiếc mũ bảo hiểm là làm giảm tử vong hoặc hạn chế dị tật do chấn thương sọ não gây ra mỗi khi bị tai nạn giao thông. Đa phần họ đội những chiếc mũ bảo hiểm lên đầu chỉ để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông.
Phần lớn người dân đang đội những chiếc mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn
Có rất nhiều lí do để người ta ngụy biện cho việc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Ông Đăng, lái xe ôm ở phố Đốc Ngữ, Hà Nội cho rằng: “Chạy xe ôm thì mua mũ xịn làm gì. Để hở ra là mất. Với lại tiền đâu mà mua 2 cái mũ ngót triệu bạc. Cứ làm cái mũ đểu 30 nghìn này để tránh công an, chả sợ mất mà giá lại rẻ”.
Chị Yến (Mỹ Đình, Hà Nội) thì lại không quan trọng mũ có rẻ hay không. Vấn đề là chẳng cần nó có đủ tiêu chuẩn, có an toàn không, chỉ cần đẹp là được. “Em đi cái xe như này mà đội cái mũ dày cộp, to lù lù trên đầu thì trông buồn cười lắm. Kiểu gì chả bị bọn bạn trêu là đội nồi cơm điện trên đầu. Quê lắm!” – chị Yến kể.
Nhiều lý do để người dân ngụy biện cho việc đội mũ bảo hiểm nhái
Chị Thiều Minh Thủy (trú tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả thì người tiêu dùng dù sao cũng chỉ là nạn nhân, có bán thì có mua. Trên thực tế, họ không thể phân biệt được đâu là mũ bảo hiểm thật, đâu là giả”. Đây chỉ là cách nói chống chế, vì thực tế, người đi xe đủ nhận thức được chiếc mũ nào là an toàn, chiếc mũ nào không.
Khoảng 70% người tham gia giao thông đang đội mũ giả, nhái và kém chất lượng
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đưa ra con số thống kê trên báo chí về tỉ lệ người dân đội mũ bảo hiểm không đạt quy chuẩn. Theo đó, sau 2 tuần ra quân xử phạt mũ bảo hiểm giả tại Hà Nội và Hải Phòng, lực lượng chức năng ước tính 70% người tham gia giao thông đang đội mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng. Trong đó tỷ lệ đội mũ không phải mũ bảo hiểm khoảng 50%, còn lại 20% là mũ không đảm bảo chất lượng, mũ bị nhái.
Đội những loại mũ này rất nguy hiểm vì không có gì để bảo vệ. Khi bị tai nạn, mũ bị vỡ, các mảnh vỡ đâm vào đầu, vào mắt của người tham gia giao thông. Rất nhiều người bị hỏng mắt vì đội mũ này.
Phân biệt mũ bảo hiểm thật/giả
Đại diện cơ quan An toàn giao thông đã chỉ ra 3 loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Thứ nhất là mũ nhái có hình dáng giống mũ bảo hiểm thật, có tem nhãn. Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và tịch thu các loại mũ này từ cơ sở sản xuất, điểm bán hàng, đủ dấu hiệu khởi tố hình sự thì sẽ khởi tố chứ không dừng lại chỉ tịch thu vì đây là hành vi làm giả, làm nhái.
Mũ thời trang, mũ nhựa... không được coi là mũ bảo hiểm cho người đi xe máy
Thứ hai là loại không phải mũ bảo hiểm, như mũ thời trang, mũ nhựa, không dùng cho người đi xe máy, không ghi cơ sở sản xuất, không tem nhãn, được bán giá rất rẻ, 20.000-30.000 đồng. Loại mũ này sẽ phải tịch thu và truy tìm cơ sở sản xuất để dẹp bỏ.
Loại thứ ba là mũ nhựa, được một số cơ sở sản xuất ghi rõ là mũ không dùng cho người đi môtô, xe máy, thì cơ sở sản xuất không bị xử phạt.
Người tiêu dùng nên chọn loại mũ chính hãng, có chứng nhận tiêu chuẩn
Với loại thứ nhất (mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng), người dân bằng mắt thường hơi khó nhận biết nên hành vi này cơ quan chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở để người dân mua mũ đạt chuẩn.
Còn hành vi đội mũ không phải mũ bảo hiểm (loại thứ 2) thì sẽ bị xử phạt. Nhận biết mũ này không khó vì thường không có lớp xốp, hoặc có lớp xốp rất mỏng, không có tem nhãn, cơ sở sản xuất.
Ông Nhữ Văn Vinh - chủ đại lý mũ bảo hiểm Như Mai (Hà Nội) - cung cấp thông tin: “Mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng phải có vỏ nhựa ABS (chống va đập khi có lực lớn tác động), xốp EBS cộng lớp lót đảm bảo và phải được dán tem CR”.
Mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo
Theo đó, mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét